Đối với người lớn, việc tiếp cận thông tin luôn dễ dàng và chủ động. Chúng ta có thể hình dung một căn bệnh qua việc miêu tả các triệu chứng như sốt, ho, khó thở; chúng ta có thể phỏng đoán được “viêm phổi” có nghĩa là bệnh liên quan để quá trình “thở”. Nhưng đối với trẻ em, việc nói cho người lớn hiểu cảm nhận của mình là điều khá khó khăn, vì vậy cần giúp trẻ có đủ thông tin và chuẩn bị tinh thần trước tình huống xấu nhất.

Trích đăng bởi: Phương Hiền

Biên tập: Lê Khương

Từ khóa: trẻ em, giải thích, sức khoẻ, tinh thần

Nội dung 1: Giải thích cụ thể cho con về Covid-19

Trẻ em từ 3 đến 6 tuổi đã bắt đầu giai đoạn tìm hiểu thế giới xung quanh và hình thành câu hỏi “tại sao?”. Trong quan hệ tình cảm đã tiến tới nhận ra vị trí của mình giữa mọi người, vì vậy việc giải thích và miêu tả cụ thể cho con trước những thay đổi bên ngoài là điều cần thiết để bảo vệ thể chất và tinh thần của trẻ trong mọi trường hợp có thể xảy ra.

 

1. Hãy nói cho con nghe những từ đơn giản nhất.

Thay vì tránh nói về Covid và những điều đáng sợ, chúng ta hãy trò chuyện gần gũi cho con một góc nhìn rõ ràng và cụ thể hơn. Giải thích ảnh hưởng của bệnh qua các bộ phận: Mắt, mũi, miệng và phổi. Miêu tả cho con hiểu như thế nào là ho, khó thở, sốt… để trẻ có thể hình dung được những ảnh hưởng của căn bệnh.

2. Giải thích những định nghĩa mới qua hành động hoặc hình ảnh.

Ba mẹ có thể giải thích qua việc tạo tiếng ho, thở ra hơi nóng… để trong trường hợp gặp phải những triệu chứng trên, trẻ có thể chủ động nói cho ba mẹ biết tình hình sức khoẻ của mình.

Hình ảnh giải thích các triệu chứng bằng tranh vẽ có thể giúp trẻ dễ hình dung và giảm bớt sự hoảng sợ hơn là hình ảnh thực tế.

Phổi là gì?

Sổ mũi

Ho

Sốt

3. Nhắc nhở con sử dụng biện pháp an toàn để phòng tránh

Trẻ em bị nhiễm bệnh có thể chỉ có những triệu chứng nhẹ nhàng. Vì vậy hướng dẫn con các biện pháp phòng tránh để trẻ hiểu được lý do mình phải tự bảo vệ bản thân..

Trẻ 2 tuổi có thể tự đeo khẩu trang cho mình. Để con chủ động hiểu và đeo khẩu trang đúng cách sẽ tránh trường hợp con cảm thấy ngợp và tự ý tháo ra khi đang di chuyển bên ngoài.

Dạy trẻ em các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn hàng ngày như rửa tay và súc miệng. Ví dụ, rửa tay trong khi hát một bài hát ngắn từ 20 đến 30 giây có thể giúp trẻ tạo thói quen rửa tay đúng cách.

Trích nguồn (1571737708_be-se-bat-chuoc-hanh-vi-cua-bo-me-3-1.jpg)

Nội dung 2: Nếu con bị bệnh.

Một số trẻ có thể trở nên quá sợ hãi và lo lắng khi đối mặt với một tình huống nghiêm trọng. Sức khỏe và tinh thần của trẻ sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình điều trị và chăm sóc của người thân. 

Trẻ có thể gặp phải những trường hợp sau:

  • Thường xuyên khóc hoặc thay đổi tâm trạng.
  •  Thoái triển (ví dụ xuất hiện đái dầm dù trẻ đã lớn; hay khóc nhè…).
  •  Quá lo lắng, buồn bã hoặc thất vọng.
  •  Đi ngủ muộn.
  • Có những phàn nàn không xác định được chẳng hạn như đau đầu hoặc đau khắp cơ thể.

Hãy tạo cho trẻ cảm giác an toàn và cho con niềm tin bằng cách:

  • Trò chuyện cùng con, kể cho con nghe những câu chuyện vui về gia đình, bạn bè. Khuyến khích con chú ý đến những sự kiện tích cực dù là nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày, chẳng hạn như có một bữa ăn ngon hoặc mặc quần áo yêu thích của con.
  • Hạn chế thời gian để nghe tin tức về COVID-19, chẳng hạn như xem TV, đọc báo chí và phương tiện truyền thông xã hội. Trẻ có thể hiểu sai hoặc không nhận thức được điều gì đang xảy ra, từ đó làm trẻ hoảng sợ.
  • Nói cho con biết cảm giác căng thẳng hoặc bồn chồn trong tình huống như vậy là điều tự nhiên. 
  • Bạn có thể cùng con tập các bài tập thư giãn và chánh niệm như một cách để đối phó với căng thẳng.

Nội dung 3: Dạy con không nên kỳ thị, có thái độ không tốt với người nhiễm Covid-19

Với những thông tin về sự nguy hiểm cũng như lây nhiễm của căn bệnh, trẻ sẽ dễ nảy sinh biểu hiện bỏ trốn, dè chừng và có thành kiến đối với những người đến hoặc sống ở khu vực nơi phát tán virus. Hoặc khi nghe thông tin người mắc bệnh hoặc có người thân của người đó mắc bệnh, trẻ có thể kì thị hoặc có hành động xua đuổi khi không hiểu rõ vấn đề.

Ba mẹ nên là người giải thích rõ cho con về tình trạng hiện tại, dạy con sự đồng cảm trước nỗi đau của người khác và cho con hiểu rằng mọi người bị nhiễm COVID-19 không phải là người xấu và bất kỳ ai cũng có thể bị nhiễm virus.

————————————————————–

Khi bắt đầu có nhận thức, trẻ cũng cần được hiểu và đón nhận những thông tin mới qua góc nhìn đơn giản. Ba mẹ hãy dành chút thời gian cùng con trò chuyện và dạy con những kiến thức đúng đắn. Thông qua đó con sẽ có được kỹ năng bảo vệ sức khoẻ của mình, sẵn sàng trước những thay đổi của đại dịch.

 

Bài viết được trích đăng từ: 

  1. CẨM NANG CHĂM SÓC SỨC KHỎE TÂM THẦN TRONG ĐẠI DỊCH COVID – Sở Y tế Đà Nẵng

Bài viết khác

Các kiến thức khác