Số ca F0 đang tăng nhanh trong cả nước và có đến 80% các bệnh nhân Covid-19 là bệnh nhẹ, không cần can thiệp y tế hoặc nhập viện mà vẫn có thể phục hồi. Các F0 sau khi đã khỏi bệnh cũng có những thắc mắc riêng. Sau khi bị nhiễm bệnh, rồi khỏi bệnh, thì cơ thể sẽ tạo được các kháng thể trung hòa virus giúp bảo vệ cơ thể không bị nhiễm bệnh về sau. Tuy nhiên, vấn đề là: kháng thể sẽ bảo vệ được bao lâu?

1. Sau khi là F0 khỏi bệnh rồi thì không lo gì nữa?

Điều này rất khó để trả lời chính xác. Khi hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng với nhiễm virus, không phải lúc nào chúng ta cũng biết rõ khả năng miễn dịch phát triển sẽ tồn tại trong bao lâu. Covid-19 là một căn bệnh quá mới, thời gian quan sát và nghiên cứu còn chưa lâu nên chúng ta chưa thể có những dữ liệu về khả năng miễn dịch lâu dài của cơ thể với virus này.

Có lý do để nghĩ rằng khả năng miễn dịch có thể kéo dài ít nhất vài tháng hoặc vài năm, dựa trên những gì đã biết về các loại virus tương tự khác trước đó (ví dụ con SARS-CoV-1 trong dịch SARS 2003: kháng thể trung hòa có thể tồn tại tới 3 năm) và những gì quan sát được khi phân tích kháng thể ở những bệnh nhân Covid-19 và ở những người đã được tiêm chủng vaccine Covid-19.

Các dữ liệu hiện tại cho thấy kháng thể trung hòa tồn tại trong vài tháng ở bệnh nhân Covid-19 nhưng giảm dần từ từ theo thời gian. Một nghiên cứu trên 5882 người F0 đã khỏi bệnh, phát hiện ra rằng kháng thể trung hòa được sản xuất ổn định trong ít nhất 5-7 tháng sau khi bắt đầu nhiễm SARS-CoV-2.

2. Tái nhiễm là gì, có thường gặp không?

Tái nhiễm (Reinfection) tức là một người đã từng nhiễm SARS-CoV-2, đã hồi phục rồi và nay bị nhiễm lại lần nữa (có thể có triệu chứng hoặc không).

Một nghiên cứu đăng trên tạp chí danh tiếng JAMA đã điều tra tỷ lệ tái nhiễm SARS-CoV-2 trong giai đoạn làn sóng đầu tiên của đại dịch Covid-19 ở Ý (tháng 2 đến tháng 7 năm 2020). Trong thời gian theo dõi trung bình 280 ngày, có 5 trường hợp tái nhiễm (0.3%) được xác nhận trong nhóm gồm 1579 bệnh nhân dương tính. Khoảng thời gian trung bình giữa nhiễm đầu và lần tái nhiễm dài hơn 230 ngày. Kết quả nghiên cứu này cho thấy rằng tái nhiễm là tình trạng hiếm gặp. Tuy nhiên, nghiên cứu quan sát này đã kết thúc trước khi các biến chủng SARS-CoV-2 bắt đầu lây lan và chúng ta vẫn chưa biết khả năng miễn dịch tự nhiên của cơ thể đối với chủng virus hoang dại trước đó sẽ bảo vệ chống lại các biến chủng mới tốt đến mức nào.

Giống như các virus RNA khác, SARS-CoV-2 không ngừng tiến hóa và tạo ra các biến chủng. Các biến chủng này có thể làm tăng hoặc giảm khả năng lây nhiễm và độc lực. Ngoài ra, các biến chủng này có thể làm tăng khả năng lẩn tránh của chúng đối với các phản ứng miễn dịch của cơ thể người tạo ra do nhiễm SARS-CoV-2 trong quá khứ hoặc do tiêm chủng. Điều này có thể dẫn đến lo ngại về tăng nguy cơ tái nhiễm cao hơn hoặc giảm hiệu quả của vaccine.

Biến chủng Delta còn tương đối mới và xuất hiện nhiều ở Anh. Hiện nay, biến chủng Delta chiếm gần 100% số ca nhiễm ở Anh (Hình bên dưới). Do đó, số liệu từ Public Health England (PHE, Cục Y Tế Công Cộng Anh) được xem là nguồn tham khảo chính trên thế giới về biến chủng Delta. Những số liệu tạm thời ghi nhận: biến chủng Delta không làm tăng nguy cơ tái nhiễm trong vòng 180 ngày (tức 6 tháng) đầu tiên sau đợt nhiễm đầu so với biến chủng Alpha, nhưng làm tăng nguy cơ tái nhiễm sau 180 ngày (tức 6 tháng) đầu tiên sau đợt nhiễm đầu gấp 2.73 lần so với biến chủng Alpha.

Tổng kết báo cáo hàng tuần của WHO ghi nhận: nguy cơ tái nhiễm của biến chủng Alpha cũng tương tự các chủng hoang dại trước đó, nguy cơ tái nhiễm của biến chủng Delta cao thấp ra sao so với các chủng hoang dại trước đó thì chưa rõ nhưng đã có báo cáo ghi nhận biến chủng Delta kém nhạy cảm với kháng thể trung hòa do cơ thể tạo ra sau khi nhiễm lần đầu gấp 3-6 lần so với biến chủng Alpha.

3. Không may bị tái nhiễm thì có nặng không?

Hiện cho có kết luận chính xác về thông tin này. Tuy nhiên, các báo cáo cho đến nay ghi nhận phần lớn là không triệu chứng hoặc chỉ là bệnh nhẹ. Nhưng cũng lưu ý rằng điều này không đồng nghĩa là người tái nhiễm không thể lây truyền virus qua cho người khác, do đó vẫn phải thực hiện các biện pháp cách ly.

4. Đang là F0 thì có chích vaccine được không?

WHO khuyến cáo những người đang là F0, bao gồm cả trường hợp là vừa tiêm xong vaccine liều 1 chưa kịp đến lịch tiêm liều 2 thì đã thành F0, thì nên hoãn tiêm lại cho đến khi hồi phục đợt bệnh cấp tính này và hết thời hạn cách ly.

Điều này cũng dễ hiểu vì F0 khi điều trị khi phục hồi sẽ có kháng thể bảo vệ trong ít nhất vài tháng tới, đồng thời việc đi tiêm chủng của F0 cũng mang đến nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng

F0 khỏi bệnh rồi thì nhanh nhất là bao lâu sau thì có thể tiêm chủng vaccine? Khoảng thời gian cho đến nay vẫn chưa biết. Tuy nhiên những bằng chứng hiện tại cho thấy nguy cơ tái nhiễm là thấp trong những tháng đầu sau đợt bệnh lần đầu nên cũng có thể tạm hoãn tiêm để nhường sự ưu tiên cho các đối tượng có nguy cơ cao hơn.

5. Nếu từng là F0 khỏi bệnh lâu rồi, thì có chích vaccine được không?

WHO khẳng định có thể tiêm chủng vaccine cho người đã từng nhiễm SARS-CoV-2 dù là có triệu chứng hay không triệu chứng.

Dữ liệu từ các phân tích tổng hợp cho thấy những vaccine Covid-19 được cấp phép hiện tại là an toàn đối với những người có bằng chứng nhiễm SARS-CoV-2 trước đó. Vì vậy, việc xét nghiệm virus (RT-PCR hay test nhanh kháng nguyên) để kiểm tra tình trạng nhiễm SARS-CoV-2 cấp tính hoặc xét nghiệm kháng thể trong máu để kiểm tra tình trạng nhiễm trước đó là không cần thiết cho mục đích ra quyết định tiêm chủng.

Trong vòng 6 tháng sau khi bắt đầu nhiễm SARS-CoV-2 tự nhiên, các dữ liệu hiện tại cho thấy tình trạng tái nhiễm có triệu chứng là ít gặp. Do đó, trong bối cảnh nguồn cung cấp vaccine còn hạn chế, những người bị nhiễm SARS-CoV-2 trước đó thì có thể hoãn lại, có thể chờ đến gần 6 tháng sau mới tiêm chủng. Tuy nhiên, những dữ liệu gần đây lại ghi nhận ở những nơi lưu hành các biến chủng, mà các biến chủng này lại làm giảm rõ rệt hiệu quả của vaccine (ví dụ như biến chủng Beta (B1.351)) thì tình trạng tái nhiễm có triệu chứng vẫn có thể xảy ra. Ở những nơi này, nên tiêm chủng sớm hơn sau khi bị nhiễm SARS-CoV-2, ví dụ như trong vòng 90 ngày. Khi có thêm dữ liệu về thời gian miễn dịch kéo dài sau khi bị nhiễm SARS-CoV-2 tự nhiên, khoảng thời gian trì hoãn này có thể được sửa đổi lại.

Bộ Y Tế trong Quyết định số 2995/QĐ-BYT ban hành ngày 18/06/2021 cũng đã xếp những người “đã mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng” vào nhóm “Các đối tượng trì hoãn tiêm chủng”.

6. Nhưng bị nhiễm rồi, chích vaccine thì có hiệu quả thêm gì không?

Một số bằng chứng cho thấy tiêm chủng có thể nâng cao khả năng miễn dịch ở những người trước đó đã bị nhiễm SARS-CoV-2 và đã khỏi bệnh. Một báo cáo xuất bản trên tạp chí danh tiếng The Lancet vào 20/03/2021 tiến hành phân tích dữ liệu từ 51 nhân viên y tế ở London được tiêm 1 liều vaccine Pfizer, 24/51 người này đã mắc Covid-19 và đã hồi phục trước đó. Kết quả ghi nhận chính 24 người này là những người có lượng kháng thể anti-S (kháng thể chống lại spike protein của virus SARS-CoV-2) tăng mạnh nhất – hơn 140 lần so với mức kháng thể đỉnh mà họ đạt được sau khi nhiễm bệnh và trước khi tiêm vaccine.

Chính vì vậy, CDC khuyến cáo mọi người nên được tiêm chủng bất kể tiền sử nhiễm SARS-CoV-2 có triệu chứng hay không triệu chứng.

Bài viết khác

Các kiến thức khác