Lược dịch: Lan Le

Biên tập: Lê Khương và Giang Vy

Bài nghiên cứu gốc: Nguyen, N. P. T., Hoang, T. D., Tran, V. T., Vu, C. T., Siewe Fodjo, J. N., Colebunders, R., … & Vo, T. V. (2020). Preventive behavior of Vietnamese people in response to the COVID-19 pandemic. PLoS One, 15(9), e0238830.

Đường dẫn: https://journals.plos.org/plosone/article?id=10.1371/journal.pone.0238830 

Ban đầu, các biện pháp phòng ngừa phổ biến bao gồm giãn cách xã hội, tự cách ly với những người có nguy cơ cao, cách ly bắt buộc những người có triệu chứng hoặc dương tính với COVID, sát khuẩn môi trường xung quanh, rửa tay thường xuyên, và mang khẩu trang ở nơi công cộng. Vào ngày 31/03/2020, sau khi công bố tình trạng lây nhiễm cộng đồng (liên quan đến nguồn lây không rõ của bệnh nhân thứ 86 và 87), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các biện pháp phòng ngừa khẩn cấp, bao gồm giãn cách xã hội nghiêm ngặt toàn quốc trong 15 ngày, chỉ ra đường khi thực sự cần thiết, duy trì khoảng cách 2 mét giữa người với người, tạm thời ngưng hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh và dịch vụ không thiết yếu, nghiêm cấm tụ tập từ 2 người trở lên. Nghiên cứu này điều tra mức độ tuân thủ các biện pháp phòng ngừa của người trưởng thành và ảnh hưởng của dịch bệnh đến đời sống thường ngày của họ. 

Phương pháp

Những người tham gia thực hiện khảo sát qua các nền tảng truyền thông xã hội bằng phương pháp lấy mẫu Snowball (quả cầu tuyết/lan tỏa). Dữ liệu từ những người thỏa các điều kiện sau đây được dùng trong nghiên cứu này: từ 18 tuổi trở lên, quốc tịch Việt Nam, nghe hiểu tiếng Việt, và có mặt tại Việt Nam. 2175 trong số 2191 người trả lời đáp ứng những điều kiện trên, trong đó 1054 (48.5%) cư trú tại năm thành phố trực thuộc Trung ương, số còn lại sống ở những thành phố nhỏ hơn và nông thôn. Đa số những người tham gia là phụ nữ (66.9%). Độ tuổi trong khoảng 18-69 với trung bình là 31.39. Ngoài ra, 1613 người có công việc ổn định.

Nghiên cứu này thu thập dữ liệu thông qua một khảo sát trực tuyến nhằm đánh giá mức độ tuân thủ của người dân với những biện pháp phòng ngừa cá nhân và cộng đồng, mức độ lo lắng về tình trạng sức khoẻ của bản thân và gia đình, những khó khăn trong đời sống thường ngày, thông tin nhân khẩu học (đặc điểm dân số) và mức độ thích ứng với chỉ thị của chính phủ.  

Kết quả và thảo luận

Kết quả nghiên cứu đồng nhất với các xu hướng dịch tễ học của COVID-19: đa phần người Việt Nam có thái độ nghiêm túc phòng chống dịch. Khảo sát cũng tiết lộ rằng 30% người tham gia lo lắng đến sức khỏe của họ, trong khi 42.3% người quan tâm đến sức khoẻ của gia đình họ. Sự chênh lệch này có thể do phần lớn người tham gia còn khá trẻ và lo lắng cho người thân lớn tuổi trong gia đình đa thế hệ. Nghiên cứu cũng chỉ ra những tương đồng và khác biệt trong văn hoá Việt Nam khi so sánh với những quốc gia khác. Ví dụ, tỉ lệ tuân thủ chỉ thị “đeo khẩu trang khi ra đường” là 99.5%, cao hơn so với Nhật Bản (70.1%) và ngang ngửa Trung Quốc (98%). Nguyên nhân của sự khác biệt này là vì đeo khẩu trang là thói quen phổ biến nhằm đối phó ô nhiễm không khí ở Việt Nam và Trung Quốc.

Trong số 1613 người có việc làm ổn định, 777 người (48.2%) đã bắt đầu làm việc trực tuyến. Tổng hợp kết quả cũng cho thấy 133 người tham gia (6.1%) gặp khó khăn trong vấn đề thực phẩm và 42 người tham gia (1.9%) gặp vấn nạn bạo lực và phân biệt đối xử. 

Trong cuộc khảo sát này, mục “hạn chế đi chợ” có tỉ lệ tuân thủ thấp nhất ở mức 43.7%, có thể do phụ nữ chiếm đa số thành phần người tham gia (66.9%). Thực phẩm tươi sống là nhu cầu thiết yếu của người dân Việt Nam và phụ nữ thường mua sắm ở chợ. Trong các chỉ thị giãn cách quốc gia thì đi chợ/đi mua thực phẩm vẫn là một trong những lý do chính đáng để ra đường, dù cho người dân được yêu cầu giảm tần suất đi chợ xuống mức tối thiểu.

Mức độ tuân thủ cao đối với các khuyến nghị của chính phủ đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lại sự lây lan nhanh chóng của COVID-19. Việc này cho thấy hầu hết người tham gia khảo sát ủng hộ mục tiêu và yêu cầu của chính phủ về sức khỏe cộng đồng, thể hiện lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, và áp dụng nhanh chóng các hành vi phòng bệnh trong thời gian dịch bệnh.

Các hạn chế

  • Thiếu/Không thỏa yếu tố lấy mẫu ngẫu nhiên do phương thức thu thập dữ liệu qua khảo sát trực tuyến: Người tham gia khảo sát không phản ánh toàn bộ dân số của Việt Nam. Cụ thể, các chuyên gia y tế (54.2%), sinh viên y khoa (22.8%) và phụ nữ (66.9%) chiếm đa số người tham gia. Bên cạnh đó, người nghèo và dân trí thấp có thể gặp hạn chế về khả năng tiếp cận mạng trực tuyến.
  • Dữ liệu từ người tham gia có độ tin cậy thấp vì không thể xác minh tính xác thực của câu trả lời thu được. 
  • Thiết kế nghiên cứu cắt ngang chỉ cung cấp cái nhìn khái quát về hành vi phòng ngừa trong một tuần. Cần theo dõi việc tuân thủ các khuyến nghị phòng ngừa trong thời gian dài, đặc biệt là khi xã hội đang thay đổi thích nghi với diễn biến khó đoán của COVID-19.

Bài viết khác

Các kiến thức khác