Biên dịch bởi: Lan Le

Biên tập: Lê Khương

—————————————-

Căng thẳng kéo dài? Có lẽ bạn đang bị căng thẳng mãn tính. Căng thẳng mãn tính thường kéo dài liên tục. Căng thẳng mãn tính có thể gây tổn hại đến cả sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe tinh thần bằng cách gây ra nhiều vấn đề bao gồm lo âu, mất ngủ, đau cơ, huyết áp cao và suy giảm miễn dịch. Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (APA) đề xuất một số mẹo để giải quyết căng thẳng mãn tính, như: đặt ra giới hạn cho bản thân, tập trung vào mạng lưới hỗ trợ của bạn, nỗ lực thay đổi lối sống lành mạnh, cải thiện chất lượng giấc ngủ, luôn hướng tới mục tiêu tích cực, tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia.

Nội dung 1 – Căng thẳng mãn tính là gì và hậu quả

Căng thẳng vừa đủ kích thích cơ thể giải phóng Adrenaline giúp chúng ta hoàn thành các công việc và dự định, nâng cao hiệu suất làm việc và khả năng giải quyết vấn đề. Nhưng căng thẳng mãn tính lại kéo dài sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng tổn hại đến cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, gây ra nhiều vấn đề như lo âu, mất ngủ, đau cơ, huyết áp cao và suy giảm miễn dịch. Nghiên cứu cho thấy căng thẳng cũng góp phần gây ra các bệnh nghiêm trọng, như bệnh về tim mạch, trầm cảm và béo phì.

Nội dung 2 – Mẹo giải quyết căng thẳng

Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (APA) đề xuất những mẹo sau để giải quyết căng thẳng mãn tính:

Đặt ra giới hạn. Liệt kê những việc cần làm và dự định khiến bạn cảm thấy choáng ngợp. Xác định những việc mà bạn bắt buộc phải hoàn thành và cắt giảm các điều không cần thiết khác. Đối với những dự định liên quan đến công việc, hãy xin ý kiến cấp trên về những việc cần ưu tiên và cách tốt nhất để giải quyết công việc được giao. Đối với các hoạt động cộng đồng hoặc tình nguyện, hãy cân nhắc liên hệ người phụ trách và cho họ biết rằng bạn không thể đáp ứng các nghĩa vụ đó vào lúc này.

Tập trung vào mạng lưới hỗ trợ của bạn. Hãy liên lạc với bạn bè thân thiết hoặc người thân, cho họ biết bạn đang gặp khó khăn và đón nhận sự trợ giúp và tư vấn của họ, có thể họ đã đối mặt với những khó khăn tương tự và có những lời khuyên hữu ích. Bạn không cần phải đối mặt với những thách thức trong cuộc sống một mình, chia sẻ gánh nặng sẽ giúp bạn nhẹ lòng hơn. 

Nỗ lực thay đổi lối sống lành mạnh. Thực hiện những điều tích cực cho sức khỏe sẽ giúp bạn kiểm soát căng thẳng của mình. Chỉ một bước nhỏ như cắt giảm lượng caffeine tiêu thụ cũng có thể có tác dụng tích cực. Ngoài ra, đi bộ nhanh hoặc thực hiện các hoạt động thể dục khác cũng có thể tăng cường năng lượng, tăng mức độ tập trung, và giảm bớt lo lắng. Hoạt động thể chất giúp cơ thể bạn tăng cường sản xuất “hormone hạnh phúc” endorphin (một loại chất dẫn truyền thần kinh trong não) và giảm hormone căng thẳng. 

Căng thẳng kéo dài do Covid

Nội dung 3 – Mẹo giải quyết căng thẳng (tiếp tục)

Cải thiện chất lượng giấc ngủ. Những người bị căng thẳng mãn tính thường thiếu ngủ, hoặc bị mất ngủ do căng thẳng. Các chuyên gia khuyên bạn nên đi ngủ đúng giờ mỗi đêm, cố gắng ngủ ít nhất 7-8 tiếng, và nếu có thể hãy loại bỏ những thứ gây xao nhãng, chẳng hạn như tivi và máy tính khỏi phòng ngủ của bạn. Hãy bắt đầu thư giãn một hoặc hai tiếng trước khi ngủ và thực hiện các hoạt động giúp tĩnh tâm như nghe nhạc, đọc một cuốn sách thú vị, tắm thư giãn hoặc thực hành các kỹ thuật thư giãn như thiền định. Tránh ăn một bữa quá no hoặc tập thể dục cường độ cao trước khi ngủ. Nếu bạn thường nằm trên giường và lo lắng, hãy viết ra những suy nghĩ lo lắng của mình trước khi đi ngủ và lắng đọng lại trước khi tắt đèn. Có thể bạn sẽ tìm ra cách giải quyết các vấn đề đó vào buổi sáng, sau một đêm ngon giấc.

Luôn hướng tới mục tiêu tích cực. Những hoàn cảnh khó khăn đều có cách vượt qua, điều quan trọng là phải biết thay đổi cách nhìn nhận vấn đề và tiến về phía trước. Xem các vấn đề như cơ hội và bỏ qua những suy nghĩ tiêu cực để giữ tinh thần lạc quan và cố gắng giảm căng thẳng. Đối với một số cá nhân, áp lực khi cố gắng xử lý hoàn hảo mọi việc cũng tạo ra căng thẳng. Đặt ra những kỳ vọng thực tế hơn và tích cực điều chỉnh lại cách nhìn vào các tình huống căng thẳng sẽ giúp bạn kiểm soát cuộc sống tốt hơn.

Tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia. Nếu bạn tiếp tục cảm thấy quá tải, tuyệt vọng, hoặc gặp khó khăn khi cố hoàn thành công việc hàng ngày, hãy tìm kiếm trợ giúp từ chuyên gia sức khỏe tinh thần, cụ thể là các nhà tâm lý học. Họ trải qua đào tạo để giúp bạn hình thành các chiến lược quản lý căng thẳng hiệu quả và chủ động thay đổi hành vi để cải thiện sức khỏe tổng thể của bạn.

 

————————————————————–

Bài viết được dịch sang tiếng Việt từ: 

  1. https://www.apa.org/topics/stress/chronic

Bài viết khác

Các kiến thức khác